9 nguyên nhân bệnh lý gây đau cơ xương khớp phổ biến bạn nên biết!

Tình trạng đau cơ xương khớp có thể chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tuần với mức độ tăng dần, đi kèm nhiều rủi ro nguy hiểm khác. Dù xảy ra trong khoảng thời gian ngắn hay dai dẳng, cơn đau xương khớp đều gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Đau cơ xương khớp là gì?

Đau cơ xương khớp toàn thân là tình trạng người bệnh cảm thấy đau nhức xương khớp ở nhiều vị trí trên cơ thể. Một số người bệnh còn xuất hiện những triệu chứng đi kèm như sưng tấy, đỏ nóng, căng cơ và cứng khớp. Có thể nói đây là một tình trạng khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau cơ xương khớp. Đáng lo ngại nhất trong số đó là nhóm bệnh lý khớp mãn tính phải kể tới như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, gút (gout), thoái hóa khớp…

Các bệnh lý đau cơ xương khớp nếu không điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như teo cơ hay biến dạng khớp, để lâu thậm chí có thể mất hoàn toàn khả năng vận động khớp. Do đó, người bệnh nên sớm đi khám để được chẩn đoán chính xác nếu tình trạng đau cơ xương khớp xuất hiện.

Dau Co Xuong Khop
Đau cơ xương khớp toàn thân gây nhiều khó khăn cho người bệnh

2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau cơ xương khớp?

2.1. Nguyên nhân bệnh lý đau cơ xương khớp

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một rối loạn mãn tính gây tổn thương sụn và phần mềm xung quanh khớp. Người bệnh thường cảm thấy cơ xương khớp bị đau mỗi khi vận động và biến mất khi nghỉ ngơi. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh này sẽ ngày một nặng lên và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trong tương lai. Để lâu dần, tình trạng này sẽ khiến người bệnh bị đau và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp tự miễn mãn tính, do tổn thương màng hoạt dịch của khớp. Bệnh gây viêm bao hoạt dịch, làm cho các khớp bị sưng, nóng, đỏ và đau. Nếu không can thiệp sớm, người bệnh đau cơ xương khớp có nguy cơ bị tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…

Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn. Bệnh này có thể phát ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể người bệnh, thông thường triệu chứng sẽ là: cảm thấy mệt mỏi uể oải, bắt đầu xuất hiện một số tổn thương da như ban hình cánh bướm, sưng đau khớp, sốt cao…

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm khớp mãn tính, đặc trưng bởi các thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ngoại vi, thậm chí ở cả điểm bám gân. Nếu không được điều trị, theo thời gian, bệnh có thể làm dính cứng khớp và đốt sống, dẫn tới hạn chế vận động và tàn phế.

Viem Cot Song Dinh Khop
Minh họa tình trạng viêm cột sống dính khớp

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý cơ xương khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến. Triệu chứng điển hình có thể kể tới như đau khớp, cứng khớp, sưng khớp. Bệnh có thể ảnh hưởng tới bất cứ cơ quan nào trong cơ thể từ ngón tay, cột sống tới hệ tiêu hóa, mức độ ảnh hưởng tùy vào tình trạng bệnh nền.

Đau cơ xương khớp do bệnh gout

Bệnh gout (thống phong) là một bệnh đau cơ xương khớp phổ biến. Người bệnh thường bị những cơn đau đột ngột và dữ dội tại các khớp ở ngón chân, ngón tay hay đầu gối, khiến khớp bị sưng to và khó khăn trong việc đi lại.

Lao xương

Trực khuẩn lao là nguyên nhân gây bệnh lao xương khớp bằng cách xâm nhập cơ thể và tấn công các khớp xương, đặc biệt là các khớp trục như cột sống, khớp háng và khớp gối. Nếu trì hoãn điều trị, lao xương khớp có thể gây bại liệt.

Loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương của người bệnh bị giảm mật độ và chất lượng. Mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương bị giòn hơn, dễ tổn thương hơn, có thể bị gãy dù chỉ với chấn thương nhỏ.

Người bị bệnh đau cơ xương khớp dạng này thường trải qua cảm giác không thoải mái không rõ nguyên nhân, chiều cao của họ có thể giảm dần, và căn bệnh cong vẹo cột sống xuất hiện. Những dấu hiệu này thường không được nhận biết ngay sau một thời gian dài.

Viêm gân

Viêm gân là tình trạng gân bị viêm nhiễm hay tổn thương, gây đau nhức và đôi khi bị sưng ở vị trí bị viêm. Có thể nói gân tại bất kỳ vị trí nào cũng đều có nguy cơ bị viêm, tuy vậy phổ biến hơn cả là viêm gân ở vai, cổ tay, các ngón tay (các vị trí thường xuyên phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần).

2.2. Nguyên nhân đau cơ xương khớp không do bệnh lý

Chấn thương

Chấn thương xảy ra trong sinh hoạt, thể thao hay vui chơi có thể kể tới như trật khớp, bong gân… khiến cho xương khớp đau nhức, đi kèm với đó là các triệu chứng như sưng tấy, làm hạn chế cả những cử động cơ bản ở người bệnh. Mức độ đau nhức còn phụ thuộc vào mức độ chấn thương nặng hay không, và có thể giảm dần trong quá trình phục hồi chấn thương.

Vận động quá mức

Mỗi người đều có giới hạn chịu đựng về vận động cơ xương khớp, do đó không nên ép bản thân thực hiện những hoạt động thể chất nặng như khuân vác, chơi thể thao quá sức, ngồi hay đứng một chỗ quá lâu, bởi có thể gây đau nhức, tiềm ẩn nguy cơ thoái hóa cơ xương khớp sớm.

Sinh hoạt, làm việc sai tư thế

Việc đi đứng, sinh hoạt, làm việc sai tư thế dễ khiến cơ xương khớp nhức mỏi, lâu dần hình thành tổn thương. Cần chú ý ngồi đúng tư thế, tránh ngồi gù lưng, gập gối, ngồi bắt chéo chân hay nằm đè lên tay… trong thời gian dài.

Ngoi Sai Tu The
Ngồi sai tư thế ảnh hưởng xấu đến cột sống

Thay đổi thời tiết

Dễ thấy mỗi khi thay đổi thời tiết là cơ thể lại dễ bị tác động, đặc biệt là cơ và gân sẽ có thể có tình trạng co vào hoặc giãn ra, dẫn tới bệnh đau xương khớp. Cần nhấn mạnh là khi trời chuyển lạnh, chất dịch nhầy trong bao hoạt dịch trở nên đặc và dày hơn làm cho các khớp bị căng cứng, chuyển động trở nên khó khăn, hình thành các cơn đau khớp.

Tuổi tác gây ra đau cơ xương khớp

Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể, đến một độ tuổi nhất định, xương khớp sẽ giảm dần độ dẻo dai, đàn hồi và kém linh hoạt theo thời gian. Thông thường càng lớn tuổi ta sẽ càng cảm nhận rõ hơn các cơn đau nhức cơ xương khớp xuất hiện thường xuyên.

Sử dụng chất kích thích

Với những người thường xuyên uống rượu bia và hút thuốc lá, nguy cơ mắc các bệnh lý về cơ xương khớp sẽ cao hơn bình thường. Biểu hiện dễ thấy nhất là nhức mỏi các khớp xương ngay cả khi không vận động mạnh. Ngoài ra, các chất kích thích còn làm gián đoạn quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể, làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh và sớm hơn.

3. Kết luận

Căn cứ vào những nguyên nhân kể trên, bệnh nhân có thể trang bị kiến thức về việc phòng chống bệnh cơ xương khớp, đồng thời nên chủ động thăm khám, phòng ngừa bệnh trước khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Các bài viết khác

5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh cơ xương khớp và cách phòng tránh

5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh cơ xương khớp và cách phòng tránh

Cơ xương khớp là một phần thiết yếu của cơ thể con người, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và khả năng vận động. Tuy nhiên, bệnh lý cơ xương khớp xảy ra...
Xem chi tiết
Điểm danh 15 thực phẩm tốt cho hệ cơ xương khớp

Điểm danh 15 thực phẩm tốt cho hệ cơ xương khớp

Sữa, phô mai, rau lá xanh đậm, cá béo, trứng, sung, cà chua giúp xương khớp khỏe, hỗ trợ giảm viêm và đau khớp. Chế độ ăn uống khoa học giảm áp lực cho xương, cải thiện triệu chứng...
Xem chi tiết
Tìm hiểu triệu chứng của các bệnh lý cơ xương khớp điển hình

Tìm hiểu triệu chứng của các bệnh lý cơ xương khớp điển hình

Cơ xương khớp là hệ thống quan trọng giúp con người duy trì khả năng vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống này có thể gặp...
Xem chi tiết