Trẻ hoá đột quỵ – Ghi nhận 2 TH đột quỵ ở người trẻ cực hiếm gặp

Gần đây, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã ghi nhận tỷ lệ trẻ hoá đột quỵ đang gia tăng nhanh chóng. Điều này khá bất ngờ vì bệnh đột quỵ ngày nay tuy không còn xa lạ gì với chúng ta, nhưng nó thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có tiền sử các bệnh nền mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Vậy cụ thể con số đó được ghi nhận ra sao?

Những con số báo động về trẻ hoá đột quỵ

Chỉ tính tại Việt Nam, mỗi năm đã ghi nhận khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó hơn một nửa số ca mắc bệnh 50% không qua khỏi. Độ tuổi từ 18-50 đang chiếm khoảng 15% trên tổng số bệnh nhân đột quỵ. 

Thực tế cũng cho thấy tỉ lệ trẻ hoá đột quỵ ở độ tuổi dưới 40 đang tăng trung bình 2% mỗi năm. Qua đó có thể thấy tình trạng trẻ hoá đột quỵ đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

trẻ hoá đột quỵ
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Ghi nhận tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20-25%/năm, gần như tăng gấp đôi so với thời gian trước đây. Nghiên cứu cho thấy 76% người bệnh đều nhập viện muộn sau 6 giờ đầu khởi phát, nguyên nhân được cho là do chủ quan, lơ là các dấu hiệu nhận biết.

“Mình hay bị đau đầu, nhưng cứ nghĩ do thức khuya nhiều nên bị như vậy chứ chưa bao giờ nghĩ bị đột quỵ. Chưa bao giờ nghĩ đâu, tại vì nghĩ mình còn trẻ tuổi” – Một bệnh nhân nữ mới ngoài 30 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Một số trường hợp đột quỵ ở người trẻ điển hình

Trường hợp bé trai 10 tuổi bị đột quỵ ở Đà Nẵng

Tháng 11/2023, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não, may mắn được cấp cứu kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhi là cháu Nguyễn N.H. (10 tuổi, Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu trong trạng thái không tỉnh táo, liệt nửa người phải và nói khó. Các bác sĩ đã tiến hành chụp CT và nhanh chóng họp hội chẩn khẩn để tìm phương án điều trị.

Đây là trường hợp đột quỵ ở trẻ em rất hiếm gặp, điển hình cho tình trạng trẻ hoá đột quỵ đáng báo động, nhưng rất may gia đình được trang bị kiến thức về dấu hiệu nhận biết đột quỵ nên đã đưa cháu đi cấp cứu kịp thời, tận dụng được “giờ vàng điều trị”.

Trường hợp bé gái 6 tuổi bị đột quỵ ở Hoà Bình

Tháng 1/2020, các bác sĩ khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình tiếp nhận trường hợp bé gái 6 tuổi bị liệt nửa người trái, tay chân chỉ cử động được rất nhẹ, không thể giơ cao. Bé bị chẩn đoán đột quỵ não và là ca bệnh vô cùng hiếm gặp từ trước đến nay.

Sau khi được hồi sức tích cực, sau đó được chỉ định dùng thuốc để tăng tiến trình tái tạo tế bào não, kết hợp cùng một số biện pháp Đông Y như châm cứu, thuỷ chẩm và đặc biệt cần tập phục hồi chức năng.

Sau 2 tháng điều trị liên tục, bệnh nhân đã cử động được 80% cơ lực tay và chân, cầm nắm đồ vật đơn giản, tuy chưa đi lại được bình thường nhưng nửa trái đã linh hoạt hơn trước. Tuy vậy, khả năng gây biến chứng vẫn khá cao.

Benh Nhi 10 Tuoi Dot Quy
Trẻ em cũng có thể bị đột quỵ

Qua 2 trường hợp trẻ hoá đột quỵ được đánh giá là “rất hiếm gặp” kể trên, có thể khẳng định: Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và bất kỳ đối tượng nào, nên việc chủ động phòng ngừa và tầm soát đột quỵ từ sớm là vô cùng cần thiết.

Một số nguyên nhân dẫn đến trẻ hoá đột quỵ

Rối loạn chuyển hoá mỡ máu liên hệ thế nào với tình trạng trẻ hoá đột quỵ?

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến trẻ hoá đột quỵ, các bác sĩ Khoa Đột quỵ não tại Bệnh viện TWQĐ 108 cho rằng do “nghiện thuốc lá; lạm dụng rượu bia; chế độ ăn thừa calo, thừa chất béo nhưng thiếu chất xơ, vitamin khoáng chất; ngoài ra chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ không điều độ cũng sẽ ảnh hưởng đến rối loạn chuyển hoá trong cơ thể, lâu dần có thể hình thành vữa xơ và tăng huyết áp từ khi còn trẻ”.

Tình trạng rối loạn chuyển hóa và mỡ máu cao xuất hiện do thói quen ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên lạm dụng các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ và muối, các loại thực phẩm đông lạnh hay chế biến sẵn… Theo nghiên cứu, tỷ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) ở người bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu cũng có liên quan khá nhiều đến tình trạng đột quỵ nhồi máu não và một vài bệnh lý não bộ khác. 

Qua thực tế tại các bệnh viện, các bác sĩ đã đưa ra thông số rằng nam giới ở độ tuổi từ 20-40 có tỉ lệ rối loạn chuyển hoá và mỡ máu rất cao, được coi là một nguy cơ lớn dẫn tới đột quỵ. 

Do đái tháo đường

Tình trạng trẻ hoá đột quỵ còn đến từ việc hiện nay nhiều người trẻ ưa thích các loại thực phẩm nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, trà sữa… Thói quen này lâu dài có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường (tiểu đường), gây tổn thương các tế bào nội mạc, khiến các phân tử mỡ chui qua lớp nội mạc vào trong cơ thể dễ dàng hơn, hình thành các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch, trở thành nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Tieu Duong
Bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gây ra đột quỵ

Do sinh hoạt thiếu điều độ

Người trẻ làm văn phòng ngày nay phải ngồi máy tính nhiều giờ đồng hồ, thời gian rảnh lười vận động, ít tập thể dục… là những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ hoá đột quỵ ngày càng tăng. Chúng ta càng ít vận động thì nguy cơ thừa cân, béo phì càng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và chỉ số vòng eo trên 80cm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Cùng một số nguyên nhân khác như: Lạm dụng chất kích thích, stress và áp lực thường xuyên, tiền sử gia đình bị đột quỵ… đều có thể là nguy cơ dẫn đến trẻ hoá đột quỵ hiện nay.

Kết luận

Trẻ hoá đột quỵ là vấn đề đáng báo động hiện nay. Các chuyên gia y tế đều đưa ra lời khuyên tới người trẻ hãy chủ động bảo vệ sức khoẻ bằng cách sinh hoạt điều độ, ăn uống và tập luyện thể dục, thể thao lành mạnh, hơn hết cần đi tầm soát đột quỵ tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện khi bệnh còn chưa khởi phát.

Các bài viết khác

Vì sao nhiều người bị rụng tóc hậu Covid-19?

Vì sao nhiều người bị rụng tóc hậu Covid-19?

Rụng tóc liên quan tới Covid-19 có thể do căng thẳng tâm lý, làm sản sinh cortisol, thúc đẩy các phản ứng viêm, yếu tố cytokine gây viêm. Một trong những hội chứng hậu Covid-19 khiến không ít người lo...
Xem chi tiết
EXOSOME chứa G4PRF-300ᵀᴹ – Lựa chọn mới trong phục hồi nang tóc – an toàn và hiệu quả

EXOSOME chứa G4PRF-300ᵀᴹ – Lựa chọn mới trong phục hồi nang tóc – an toàn và hiệu quả

Ngày 08/10/2023 vừa qua, PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm đã có báo cáo về việc phục hồi nang tóc, cải thiện tóc khỏe mạnh bằng cách kích hoạt sự phát triển của tế bào nang tóc thông qua con đường...
Xem chi tiết
Một số lưu ý khi sử dụng Minoxidil trong điều trị rụng tóc

Một số lưu ý khi sử dụng Minoxidil trong điều trị rụng tóc

Hiện nay Minoxidil đang là một loại thuốc được ưa chuộng để sử dụng điều trị tình trạng rụng tóc, hói, kích thích mọc tóc…… Tuy nhiên, nếu sử dụng Minoxidil không đúng cách hoặc không có sự chỉ...
Xem chi tiết