8 nguyên tắc khi điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ

Điều trị phục hồi chức năng có vai trò quan trọng với người bệnh đột quỵ, cần được thực hiện sớm và cẩn trọng với mục tiêu dài hạn là giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục sinh hoạt bình thường, hạn chế tối đa biến chứng sau đột quỵ.

1. Tầm quan trọng của điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ

Người bệnh đột quỵ thường mắc phải nhiều biến chứng, đặc biệt với các đối tượng có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch… không được kiểm soát tốt. Sau khi cơn đột quỵ xảy ra, chỉ có khoảng 30% người bệnh có thể hồi phục, đi lại được sau điều trị.

Do đó, điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ được thực hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao, giúp người bệnh có thể lấy lại khả năng sinh hoạt bình thường, sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ là hoàn trả lại một cách tối đa các chức năng đã bị giảm hay bị mất cho người bệnh hoặc tăng cường khả năng còn lại của bệnh nhân. Ví dụ như tập phục hồi giúp vận động trở lại; tập tư thế đi, đứng, ngồi; tập nói, tập thay quần áo, vệ sinh cá nhân…

điều trị phục hồi chức năng
Điều trị phục hồi chức năng rất quan trọng với người bệnh đột quỵ

Phục hồi chức năng cũng giúp bệnh nhân phòng ngừa các biến chứng nặng hơn có thể xảy ra như loét cơ thể do nằm lâu, teo cơ, cứng khớp, bán trật khớp vai, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch

2. Các giai đoạn điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ

Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, phục hồi chức năng sau đột quỵ gồm 4 giai đoạn sau:

2.1. Giai đoạn cấp và tối cấp

Xảy ra trong 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ.

Bệnh nhân cần được can thiệp sớm, hồi sức tích cực để duy trì sự sống bằng cách đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn trong mức ổn định.

2.2. Giai đoạn hồi phục sớm

Xảy ra sau 24 giờ đầu đến 3 tháng đầu sau đột quỵ

Bệnh nhân cần được điều trị nội khoa, kết hợp với tập phục hồi chức năng sớm vì đây là giai đoạn mà cơ thể bệnh nhân có thể phục hồi một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Cần chú ý hạn chế những biến chứng sau đột quỵ não có thể xảy ra như viêm phổi, loét tỳ đè, teo cơ hay cứng khớp do nằm bất động tại giường.

Phuc Hoi Chuc Nang
Cần căn cứ vào từng giai đoạn phục hồi để có phương pháp trị liệu phù hợp

2.3. Giai đoạn phục hồi muộn

Diễn ra trong khoảng 3 tháng đến 6 tháng.

Bệnh nhân tiếp tục tập phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bệnh nhân nhưng nếu thời gian bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não càng chậm thì khả năng phục hồi hoàn toàn càng thấp.

2.4. Giai đoạn mãn tính

Xảy ra sau 6 tháng.

Bệnh nhân trong tình trạng ổn định, duy trì tập những bài tập phục hồi chức năng tại nhà và tái hòa nhập với gia đình và xã hội.

3. Những nguyên tắc khi điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ

3.1. Phòng ngừa biến chứng hô hấp

  • Lăn trở thường xuyên
  • Tư thế trị liệu (nằm ngửa hoàn toàn không được khuyến cáo vì có thể ảnh hưởng không tốt đến lưu thông của không khí và nuốt an toàn)
  • Khuyến khích các bài tập thở sâu thường xuyên
  • Khuyến khích vận động di chuyển (nếu ổn định nội khoa).

3.2. Đảm bảo tư thế trị liệu điều trị phục hồi

  • Kiểm soát hóa trương lực cơ
  • Tăng cường nhận biết về không gian
  • Lăn trở, thay đổi tư thế luân phiên 2 giờ/lần phòng ngừa nguy cơ loét do tì đè.
Phuc Hoi Chuc Nang
Cần đảm bảo chỉnh lại tư thế cho bệnh nhân trong quá trình điều trị

3.3. Tăng cường vận động

  • Lăn trở trên giường
  • Làm cầu
  • Ngồi dậy trên giường
  • Chuyển từ nằm sang ngồi thòng chân ở mép giường
  • Ngồi bên ngoài giường
  • Đứng và đi

3.4. Xử lý tình trạng yếu/ liệt nửa người

  • Tập vận động thụ động và đặt tư thế đúng giảm biến chứng của yếu cơ, co rút, chấn thương bên liệt; làm bình thường hóa trương lực và cơ lực bên liệt.
  • Sử dụng tay lành tập chủ động trợ giúp tay liệt.
  • Khuyến khích các bài tập chủ động hướng tới chức năng như vươn tay, duỗi tay, cầm nắm đồ vật…

3.5. Xử lý mất cảm giác

  • Sử dụng các kỹ thuật xoa bóp ở bên bị liệt với các loại vật liệu khác nhau.
  • Có thể tập luyện tiếp xúc với các loại cảm giác cụ thể thường xuyên nếu người bệnh chịu được như: cho tiếp xúc với nhiều loại vật liệu, nhiệt độ và lực ép khác nhau.

3.6. Cải thiện dáng đi, thăng bằng và di chuyển

  • Tập thăng bằng.
  • Tập dáng đi đúng.
  • Sử dụng một dụng cụ trợ giúp như gậy chống, nẹp AFO (dụng cụ chỉnh hình cổ – bàn chân) nếu phù hợp.
  • Tập bước và lên xuống cầu thang, đi ở các bề mặt khác nhau.
  • Tập với máy đi bộ có nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
  • Tập dáng đi với sự trợ giúp của robot.
Phuc Hoi Chuc Nang
Tập di chuyển và đi lại rất quan trọng trong điều trị phục hồi

3.7. Tập tăng cường cơ

  • Tăng dần lực cơ bằng cách tăng số lần lặp lại đối với các hoạt động chịu sức nặng (ví dụ như lặp đi lặp lại bài tập chuyển từ ngồi sang đứng).
  • Tập với tạ.
  • Bài tập đề kháng với các máy móc như xe đạp tại chỗ.

3.8. Tập tay

  • Hướng dẫn người bệnh các bài tập với tay yếu liệt, sử dụng các hoạt động chức năng càng nhiều càng tốt, tập ở tư thế ngồi hoặc đứng, ví dụ: cầm cốc uống nước, với tay tắt điện…
  • Kích thích điện thần kinh cơ: lưu ý phải được thực hiện bởi nhân viên y tế.
  • Tập luyện thực tế ảo cho cánh tay và bàn tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ để hỗ trợ cho sinh hoạt thông thường.
  • Tập luyện có trợ giúp bằng robot cho vai và khuỷu tay bên liệt ở người bệnh đột quỵ.

4. Kết luận

Đột quỵ không chỉ là một tình trạng cấp tính mà còn gây ra các khiếm khuyết, di chứng kéo dài. Người bệnh đột quỵ cần được điều trị phục hồi chức năng thích hợp và liên tục để sớm lấy lại khả năng sinh hoạt bình thường, hạn chế tối đa rủi ro liệt hoàn toàn.

Các bài viết khác

Tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng tăng

Tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng tăng

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. “Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù ở...
Xem chi tiết
Kiểm soát cân nặng ngay nếu bạn không muốn bị đột quỵ

Kiểm soát cân nặng ngay nếu bạn không muốn bị đột quỵ

Trong những năm gần đây, vấn đề kiểm soát cân nặng đã trở thành một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Tình trạng thừa cân và béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức...
Xem chi tiết
5 điều bạn cần biết về bệnh đột quỵ!

5 điều bạn cần biết về bệnh đột quỵ!

Nhắc đến nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong hiện nay chắc chắn không thể thiếu bệnh lý đột quỵ nguy hiểm, khi mà kiến thức về bệnh đột quỵ vẫn còn rất hạn chế với đa số...
Xem chi tiết