Top 3 biến chứng đột quỵ nguy hiểm không thể bỏ qua
Đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm, nặng nhất sẽ dẫn đến tử vong, còn lại hầu hết sẽ để lại nhiều biến chứng đột quỵ gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người bệnh. Do đó, việc chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ thực sự xảy ra là vô cùng quan trọng.
Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?
Theo thống kê, trên thế giới cứ 40 giây lại có 1 ca đột quỵ xảy ra; cứ 4 phút có một người đột quỵ tử vong. Thường thì đột quỵ xảy ra ở người trên 45 tuổi, trong đó có 2⁄3 trường hợp đột quỵ xảy ra ở độ tuổi trên 65. Ngoài ra, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ có xu hướng cao hơn nữ giới.
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) hiện được xem là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, cao hơn cả bệnh ung thư và các bệnh lý tim mạch. Đột quỵ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến cá nhân người bệnh, là gánh nặng về tài chính và tinh thần cho gia đình và xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu (Nguyên Chủ nhiệm khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108) cho biết, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mới mỗi năm. Đáng lo hơn là đột quỵ đang có xu hướng trẻ hoá, có những bệnh nhân dưới 30 tuổi tiền sử khoẻ mạnh cũng có thể trở thành nạn nhân.
Nếu may mắn được cứu sống, có tới 80% bệnh nhân bị biến chứng đột quỵ nặng, chủ yếu là rối loạn vận động, và khoảng 30% không thể phục hồi. Khi đó, gánh nặng cho gia đình và xã hội là rất lớn. Để phòng ngừa vấn đề này xảy ra, các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên chủ động tầm soát đột quỵ sớm nhất có thể.
Các biến chứng đột quỵ phổ biến
Yếu liệt cơ thể
Thống kê chỉ ra có khoảng 90% người bị yếu liệt vận động như một biến chứng đột quỵ phổ biến. Di chứng này gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân về vấn đề sinh hoạt và đi lại hàng ngày.
Bệnh nhân bị liệt nằm một chỗ lâu ngày có thể gặp một số biến chứng đột quỵ nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tỳ đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu…
Di chứng liệt nửa người xuất hiện khá nhiều. Mỗi bán cầu não sẽ điều khiển nửa cơ thể ở phía đối diện, có nghĩa là nếu bị đột quỵ ở não phải thì bạn sẽ bị liệt nửa người ở bên trái.
Các triệu chứng từ biến chứng đột quỵ có thể xuất hiện như tê yếu chân tay, méo miệng, chân bước không đều, mắt sụp, không thể làm một số việc nặng, điều khiển phương tiện giao thông… Nếu bị đột quỵ ở phía sau não còn có thể gặp triệu chứng mờ mắt, rối loạn thị giác.
Tuy vậy, di chứng liệt nửa người vẫn có thể điều trị được bằng thuốc và các biện pháp vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ.
Xem thêm: Nguyên tắc điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ
Suy giảm nhận thức – biến chứng đột quỵ nặng nề
Suy giảm hay rối loạn nhận thức là một trong những biến chứng đột quỵ nặng nề gây sa sút trí tuệ, gây ra các biểu hiện như: hay quên, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, thậm chí không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói dù rất đơn giản của người khác…
Một số người bệnh cần thời gian rất lâu mới có thể phục hồi, sau đó không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như cần độ phức tạp cao.
Cả đột quỵ nhồi máu não lẫn đột quỵ xuất huyết não đều có thể gây biến chứng đột quỵ là suy giảm nhận thức. Vị trí vùng não bị đột quỵ là yếu tố quan trọng quyết định người bệnh có suy giảm nhận thức hay không. Một số vùng não mang vai trò then chốt, chỉ cần một tổn thương nhỏ cũng có thể gây ra vấn đề suy giảm nhận thức. Ngoài các vùng não này, người bị đột quỵ càng nhiều lần, tổn thương não càng nhiều chỗ thì biến chứng đột quỵ suy giảm nhận thức càng nặng nề.
Rối loạn ngôn ngữ
Một biến chứng đột quỵ khác là người bệnh có thể bị rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ, điển hình là các biểu hiện như: nói ngọng, nói lắp, biến đổi âm điệu khi nói, khó diễn đạt, thậm chí là không nói được. Biến chứng này chiếm tới 40% các ca bệnh sau đột quỵ.
Dựa vào vị trí não bị tổn thương, có thể chia biểu hiện rối loạn ngôn ngữ do biến chứng đột quỵ thành 4 loại là:
- Tổn thương vùng sinh ngôn ngữ: là trường hợp thường gặp nhất. Bệnh nhân hiểu được những gì mình muốn nói và những điều người khác nói với mình tuy nhiên lại không nói ra được, hoặc chỉ nói được một vài từ. Nếu bị tổn thương ở mức độ nhẹ thì người bệnh nói được nhưng khả năng nói kém, khó khăn trong việc lặp lại câu nói của người khác hoặc của chính mình.
- Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ do biến chứng đột : Tuy bệnh nhân nói lưu loát nhưng không hiểu hoặc chỉ hiểu một phần rất ít những gì người khác nói với mình, các câu nói của bệnh nhân thường vô nghĩa, khả năng lặp lại câu nói của người khác kém.
- Tổn thương vùng dẫn truyền giữa vùng sinh ngôn ngữ và vùng hiểu ngôn ngữ: bệnh nhân có khả năng nói và hiểu tốt nhưng chỉ lặp lại câu nói người khác hoặc chính mình.
- Tổn thương toàn thể tất cả các vùng chức năng ngôn ngữ: bệnh nhân không nói được hoặc nói rất kém, khả năng hiểu và lặp lại kém.
Kết luận
Biến chứng đột quỵ não để lại cho người bệnh là khó tránh khỏi, do đó việc chủ động tầm soát phòng ngừa từ sớm là vô cùng quan trọng. Một khi đột quỵ thật sự xảy ra, hậu quả dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội.