Vì sao tỉ lệ đột quỵ ở nam giới cao hơn nữ giới?
Ta vẫn nghĩ đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, theo nhiều con số thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ đột quỵ ngày càng trẻ hóa, đặc biệt tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao hơn hẳn so với nữ giới.
1. Nguyên nhân tỷ lệ đột quỵ ở nam giới cao hơn nữ giới
1.1. Do thói quen sinh hoạt
Một số thói quen sống của nam giới tiềm ẩn những nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt là chế độ sinh hoạt không lành mạnh lạm dụng rượu bia, thuốc lá,… Theo thống kê tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3% còn ở nữ giới là 1,1%. Tỷ lệ nam giới sử dụng và lạm dụng rượu bia là 64% so với 10% là nữ giới trong thống kê năm 2021 ở Việt Nam.
1.2. Do áp lực về công việc
Làm việc ở môi trường có cường độ cao, tăng ca nhiều giờ trong tuần cùng với những áp lực gây nên về kinh tế của nam giới trong việc có trách nhiệm chăm lo cho gia đình khiến các bệnh về tâm lý ở nam giới ngày càng có xu hướng gia tăng. Ngoài ra việc thời gian nghỉ ngơi không hợp lý dễ dẫn đến các rối loạn căng thẳng lo âu, hội chứng rối loạn giấc ngủ hình thành nên các nguy cơ cao về đột quỵ ở nam giới.
Một nghiên cứu tại Anh cũng đã chứng minh những người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần, chịu nhiều căng thẳng và áp lực công việc thường xuyên có nguy cơ đột quỵ cao hơn 30% so với người bình thường.
1.3. Do tỷ lệ mắc các bệnh lý liên quan
Ở nam giới, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, mỡ máu, thừa cân béo phì… nhiều hơn ở nữ giới. Các bệnh liên quan đến tim mạch, thừa cân béo phì lại là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Theo thống kê năm 2015 tỷ lệ nam giới bị cao huyết áp là 23,1% so với 14,9% ở nữ giới, cao hơn 8,2% ở nữ giới.
Ngoài ra, tỷ lệ mắc tiểu đường ở nam giới trong độ tuổi từ 22 đến 44 là 2,4% còn ở nữ giới chỉ là 1,2% so với cùng lứa tuổi. Trên thế giới cũng thống kê được rằng tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam giới là 14% còn ở nữ giới chỉ là 12%. Đây là những con số đáng báo động về tỷ lệ đột quỵ não tăng cao ở nam giới.
1.4. Do tâm lý chủ quan
Một nguyên nhân khác là do tâm lý chủ quan với sức khỏe ở nam giới thường cao hơn nữ giới. Tâm lý mọi người thường cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi, không chú ý đến các dấu hiệu đột quỵ cùng như dấu hiệu của các bệnh lý nguy cơ cao gây nên đột quỵ. Đây là một trong những yếu tố cực kỳ nguy hiểm bởi sự chủ quan và dễ dẫn đến những hậu quả khó lường trước được.
2. Hậu quả nặng nề sau đột quỵ – Hồi chuông cảnh tỉnh những ai còn chủ quan
Sau đột quỵ não là những hậu quả gây nên các di chứng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm trạng thể chất của người bệnh. Không những thế, sau đột quỵ những di chứng của nó còn là những hệ lụy kinh tế gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội trong việc phục hồi sau tai biến cho bệnh nhân đột quỵ não.
Một số biến chứng nguy hiểm sau đột quỵ như:
- Tử vong: Là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời
- Liệt vận động: Có đến 92% số bệnh nhân bị đột quỵ cần phục hồi sau tai biến gặp các rối loạn vận động như liệt nửa người, mất vận động cơ bắp,….27% chịu di chứng tàn phế suốt đời.
- Rối loạn nhận thức: Rối loạn nhận thức ở bệnh nhân sau đột quỵ não với tỷ lệ khoảng hơn 60% trong đó bao gồm việc mất trí nhớ, suy giảm nhận thức với môi trường xung quanh
- Rối loạn thị giác: Bệnh nhân sau đột quỵ thường bị suy giảm thị lực thậm chí mất thị giác bởi các tổn thương tế bào não do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não gây nên.
- Rối loạn cảm giác: Tê bì chân tay bởi ảnh hưởng việc não bộ bị tổn thương cùng các rối loạn vận mạch sau tai biến mạch máu não.
- Rối loạn ngôn ngữ: Nói ngọng, nói khó nghe, mất khả năng ngôn ngữ.
- Rối loạn cảm xúc, trầm cảm: Do tâm lý bị ảnh hưởng từ một người bình thường sau một cơn đột quỵ trở thành người không thể tự chăm sóc bản thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- Rối loạn cơ tròn khiến đại tiểu tiện không tự chủ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Những hệ lụy mà đột quỵ để lại là vô cùng nặng nề, bởi vậy dù nam giới hay nữ giới, người trẻ hay người già đều cần trang bị cho mình kiến thức về đột quỵ cũng như biết cách tự phòng tránh đột quỵ cho bản thân và gia đình.