Hiện nay peel da đã trở thành phương pháp làm đẹp được nhiều người lựa chọn. Nhiều sản phẩm peel da quảng cáo có tác dụng trị được mụn ẩn, sẹo, lỗ chân lông to…
Trào lưu làm đẹp bằng peel da
Peel da (một phương pháp nhằm lột bỏ lớp da cũ) đang được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là giới trẻ, được coi là phương pháp làm đẹp giúp da mịn màng, trắng, trị mụn…Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “sản phẩm peel da” trên sàn thương mại điện tử, có đến hàng trăm sản phẩm serum, tinh chất dưới dạng nước, dạng sáp dùng để peel da. Các loại này được quảng cáo có tác dụng mờ thâm, sáng da, tái tạo da với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Một sản phẩm peel da được quảng cáo tại sàn thương mại điện tử có giá từ 1 – 1,5 triệu đồng được giới thiệu có thể đào thải các độc tố bên trong da, phục hồi da.
“Chỉ cần dùng sau 3 – 7 ngày, đánh bật nám và tàn nhang cho da sáng mịn tức thì”, người bán quảng cáo.
Theo đó, người dùng có thể trực tiếp peel da tại nhà bằng cách thoa dung dịch lên da. Nhiều người sau khi sử dụng cho biết da sẽ bong ra, đỏ như bị bỏng, thế nhưng phải chờ đợi thời gian dài mới có thể biết được hiệu quả.
Mới đây, với mong muốn trẻ hóa làn da nhanh chóng, chị P. (26 tuổi, ở Hà Nội) đã mua kem peel da trên mạng với giá 2 triệu đồng. Sau khi sử dụng, da của chị P. bị lột như da rắn, dẫn đến bỏng rát, loang lổ. Chị P. cho hay do da có mụn ẩn, lỗ chân lông to, xuất hiện sẹo lõm nên đã lên mạng và được giới thiệu liệu trình peel da nhằm cải thiện tình trạng này. Sau khi được giới thiệu về sản phẩm, chị P. đã tin người bán kem peel với lời hứa sau khi thực hiện một liệu trình, da mới tái sinh tạo ra làn da mịn như da em bé. Chị P. đã đồng ý mua liệu trình peel da với giá 2 triệu đồng. Sau khi thực hiện peel da như hướng dẫn, chỉ sau một ngày chị P. đã thấy xuất hiện da tổn thương đỏ, đau rát. Qua thăm khám cho thấy chị P. bị viêm da tiếp xúc kích ứng, biến chứng tăng sắc tố sau viêm, có nguy cơ bị thâm và sẹo lâu dài do chị sử dụng các chất có tác dụng lột tẩy mạnh.
Peel da sai cách dễ gặp biến chứng
Bác sĩ CKI Châu Thị Kim Trang – khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức – cho biết peel da là phương pháp dùng những sản phẩm có tính acid để lột da (thay da) một cách có kiểm soát. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ tế bào sừng già cỗi, tái tạo tế bào thượng bì, tăng sinh collagen, tiêu sừng, giảm nhờn… Bên cạnh đó, peel da mang lại làn da trắng sáng, tươi mới đều màu, làm da căng bóng, trẻ hóa, giảm nếp nhăn, hỗ trợ điều trị mụn, sẹo mụn, sạm nám da, thu nhỏ lỗ nang lông…
Theo bác sĩ Trang, peel da có ba mức độ khác nhau: nông, sâu, trung bình. Các hóa chất thường dùng là salicylic, acid glycolic, retinol, lactic acid… với nhiều nồng độ khác nhau. Khi được peel da, tùy vào loại hóa chất và nồng độ được sử dụng, người dùng sẽ có cảm giác nóng rát, châm chích… Sau khi peel da có thể bị căng, đỏ nhẹ trong vòng 1 – 2 ngày đầu, sau đó da sẽ khô, đóng mài, hơi xỉn màu và bong tróc nhẹ trong vòng 5 – 7 ngày. Thời gian hồi phục sau mỗi lần peel da cũng khá nhanh, thường từ 7 – 10 ngày tùy theo cơ địa từng người.
Peel da có thể thực hiện được trên làn da bị mụn, sẹo mụn. Bên cạnh các phương pháp điều trị mụn truyền thống như thuốc uống và thuốc thoa, peel da bằng hóa chất tác động trực tiếp lên bề mặt da, giúp loại bỏ nguyên nhân chính gây ra mụn là vi khuẩn, bụi bẩn, các tế bào da chết nằm sâu dưới lỗ chân lông.
Peel da trị mụn còn có tác dụng kích thích các tế bào da cũ bong tróc và thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào da mới, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trị thấm qua da tốt hơn, từ đó giúp da trở nên sáng và khỏe hơn.
Bác sĩ Trang nhấn mạnh, mặc dù peel da là một kỹ thuật mang lại vẻ đẹp cho làn da nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng, chi phí thấp nhưng cũng có thể gặp các biến chứng không mong muốn như: bỏng, tăng sắc tố sau viêm, bùng phát mụn trứng cá, nhiễm khuẩn da…
Do đó, peel da cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, hoặc các bác sĩ da liễu, bác sĩ thẩm mỹ.
Đặc biệt, cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi peel.
Bệnh van tim, một tình trạng y khoa phổ biến nhưng thường bị bỏ qua, đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng sự thật...
Ta vẫn nghĩ đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, theo nhiều con số thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ đột quỵ ngày càng trẻ hóa, đặc biệt tỷ lệ nam giới...
Các chuyên gia khuyến cáo đột quỵ có thể dự phòng bằng việc sàng lọc, kiểm soát yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường và các yếu tố liên quan đến...