Top 5 bệnh cơ xương khớp cần chú ý

Các bệnh cơ xương khớp có các triệu chứng như đau, sưng khớp, hạn chế tầm vận động, yếu và đau cơ, biến dạng xương… Người bệnh ban đầu thường chủ quan với những triệu chứng nhẹ, không đi thăm khám sớm. Nếu không điều trị kịp thời, hệ cơ xương khớp có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

1. Bệnh cơ xương khớp là gì?

Bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu chức năng của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh. Người bệnh sẽ bị đau, giảm khả năng di chuyển, gây trở ngại trong sinh hoạt và giảm chất lượng sống. Bệnh về cơ xương khớp rất đa dạng với khoảng 200 loại bệnh, được chia thành 2 nhóm chính gồm:

  • Bệnh do chấn thương: như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, chấn thương thể thao…
  • Bệnh không do chấn thương: gồm các bệnh lý như bệnh tự miễn hệ thống (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ tự miễn, xơ cứng bì), viêm khớp tinh thể (gout), những loại bệnh thoái hóa xương khớp, viêm gân, u xương…

2. Các bệnh cơ xương khớp thường gặp

2.1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý xương khớp xảy ra khi phần sụn khớp và xương dưới sụn ở khớp bị tổn thương, dẫn đến các phản ứng viêm và tình trạng tràn dịch khớp. Nguyên nhân phổ biến của thoái hóa khớp là tuổi tác và một số yếu tố khác như di truyền, tình trạng béo phì, chấn thương xảy ra thường xuyên tại khớp, tai nạn thể thao, tai nạn lao động, các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, gout hay nhiễm trùng khớp… Người bệnh thoái hóa khớp sẽ xuất hiện những triệu chứng như:

Khớp bị ảnh hưởng

Thoái hóa khớp thường ảnh hưởng nhiều đến các khớp chịu lực hoặc hoạt động nhiều của cơ thể như: khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ và các khớp ở bàn tay.

Benh Xuong Khop
Thoái hóa khớp là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi

Đau khớp

Các khớp bị thoái hóa thường xuất hiện những cơn đau âm ỉ (đau gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp bàn tay). Các cơn đau thường gia tăng khi vận động như leo cầu thang, ngồi xổm với khớp gối, cúi ngửa đối với cột sống cổ, cúi lưng, bưng vác đồ đối với cột sống thắt lưng và cơn đau thường giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có xu hướng đau nhiều vào ban ngày hơn ban đêm. Trong giai đoạn sớm, người bệnh thường đau nhẹ, tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau có xu hướng kéo dài với cường độ đau dữ dội hơn.

Cứng khớp

Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy. Người bệnh có cảm giác đau, khó cử động các khớp bị thoái hóa. Thời gian các khớp bị cứng thường kéo dài khoảng 30 phút, sau đó khớp bị thoái hóa sẽ dần dần giảm cứng và cử động bình thường trở lại.

Biến dạng khớp

Trong giai đoạn muộn của thoái hóa khớp, lớp sụn của khớp hầu như không còn sẽ làm cho 2 đầu xương chạm vào nhau khi cử động, lâu ngày làm cho khớp bị biến dạng. Ngoài ra, tình trạng biến dạng khớp cũng có thể một phần do hiện tượng teo các cơ xung quanh khớp bị thoái hóa. Biến dạng khớp gối làm cho 2 chân bệnh nhân không được thẳng có thể gây biến dạng chân vòng kiềng. Một số biến dạng xương ở bàn tay như các khớp bàn bị lệch trục, xuất hiện các khối nhô lên ở bàn tay, đặc biệt ở các ngón tay.

Tầm vận động suy giảm

Những hoạt động hằng ngày của người bệnh bị hạn chế như khó leo cầu thang, khó ngồi xổm, khó cử động quay cổ ra sau hay cúi đầu sát đất.

2.2. Thoát vị đĩa đệm

Đây là bệnh lý gây ra do tình trạng lớp nhân nhầy ở đĩa đệm tràn ra bên ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh, gây ra bệnh rễ thần kinh. Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra cả ở người cao tuổi và ở người trẻ tuổi. Những yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm lão hóa, yếu tố sinh hoạt đặc biệt công việc ngồi lâu, bưng vác đồ nặng và tình trạng thừa cân – béo phì. Thoát vị đĩa đệm cột sống thường xảy ra nhất ở vùng đốt sống chịu lực và cử động nhiều, do đó thoát vị thường xảy ra vùng cột sống thắt lưng và vùng cột sống cổ.

Người bệnh thường có triệu chứng đau âm ỉ vùng lưng dưới hoặc vùng cổ, đau nhiều hơn khi vận động, đặc biệt khi thực hiện các động tác như cúi người, bưng đồ nặng, khi đứng hoặc ngồi lâu hoặc động tác cử động cổ nhiều. Bệnh thường sẽ kèm theo các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh như đau lan xuống vùng mông, đùi, bắp chân, thậm chí là lan xuống bàn chân đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và đau lan xuống vùng vai, cánh tay, cẳng tay, bàn tay đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Thoat Vi Dia Dem
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở cả người già và người trẻ tuổi

2.3. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh xương khớp  viêm nhiều khớp và có thể ảnh hưởng lên các cơ quan ngoài khớp. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới và độ tuổi thường mắc bệnh là tuổi trung niên. Triệu chứng bệnh thường gặp nhất là sưng, nóng, đau và hạn chế vận động các khớp ở bàn tay, thường đối xứng 2 bên. Người bệnh đau liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm.

2.4. Bệnh gout

Bệnh gout xảy ra khi có sự rối loạn chuyển hóa nhân purin trong cơ thể, từ đó làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu. Axit uric được hình thành trong cơ thể, được đào thải qua nước tiểu và phân. Có nhiều nguyên nhân gây tăng axit uric trong máu như ăn quá nhiều thực phẩm có chứa purin (nội tạng động vật, thịt bò, thịt dê, thịt cừu, hải sản…), giảm thải axit uric ra khỏi cơ thể (suy thận, rối loạn di truyền…). Khi nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng cao và kéo dài, sẽ dẫn đến hình thành và lắng đọng của tinh thể urat ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể như khớp, da, tim, thận…

2.5. Loãng xương

Loãng xương là tình trạng xảy ra do giảm khối lượng và chất lượng của xương, làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tình trạng loãng xương thường xảy ra ở người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, những người suy dinh dưỡng, sử dụng corticoid kéo dài… Bệnh thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Người bệnh thường chỉ phát hiện bệnh khi có biến chứng như gãy xương hoặc biến dạng vùng cột sống (gù, vẹo, giảm chiều cao).

Gãy xương là biến chứng nguy hiểm nhất của loãng xương. Nguy cơ gãy xương sẽ gia tăng khi tình trạng loãng xương nặng hơn.

3. Kết luận

Bệnh cơ xương khớp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và càng lớn tuổi thì khả năng bị bệnh xương khớp càng nhiều. Bên cạnh các bệnh phổ biến ở trên, còn nhiều căn bệnh khác cũng cần chú ý phát hiện từ sớm để phòng ngừa tổn thương nặng nề trong tương lai.

Các bài viết khác

Đau cơ xương khớp: 6 lưu điều trị cực hay có thể bạn chưa biết!

Đau cơ xương khớp: 6 lưu điều trị cực hay có thể bạn chưa biết!

Đau cơ xương khớp là tình trạng bệnh lý gây khó chịu, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi đi thăm khám, tùy thuộc vào nguyên do và mức độ nghiêm trọng của...
Xem chi tiết
Đau cơ xương khớp lâu ngày sẽ gây ra hậu quả gì?

Đau cơ xương khớp lâu ngày sẽ gây ra hậu quả gì?

Đau cơ xương khớp hiện nay đang ngày càng trở thành một trong những chứng bệnh phổ biến và nguy hiểm bởi hậu quả để lại nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy những hậu...
Xem chi tiết
Tổng hợp 8 thói quen gây hại cho cơ xương khớp nên tránh

Tổng hợp 8 thói quen gây hại cho cơ xương khớp nên tránh

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống. Để tránh gây hại cho xương...
Xem chi tiết