Rối loạn lipid máu gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người trẻ
Thống kê từ Tổng hội Y học Việt Nam, gần 50% người trưởng thành tại các đô thị bị rối loạn mỡ máu, trong đó có phần lớn người trẻ, người gầy và thậm chí có người hoàn toàn khỏe mạnh.
1. Rối loạn mỡ máu có xu hướng trẻ hóa
Hiện nay gánh nặng bệnh tim do xơ vữa động mạch ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động. Trong đó, rối loạn lipid máu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới và các bệnh nguy hiểm khác.
Rối loạn mỡ máu (máu nhiễm mỡ hay rối loạn lipid máu) là tình trạng bất thường của lipid trong máu, chẳng hạn như mức LDL-C (cholesterol xấu) hoặc Triglyceride quá cao, hay mức HDL-C (cholesterol tốt) quá thấp. Theo các chuyên gia, lipid máu bình thường không có hại và cần thiết cho sự sống; tuy nhiên khi vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ trở thành yếu tố gây hại.
“Chúng tôi ghi nhận nhiều em bé 4-5 tuổi hay một người kỹ sư 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Cháu bé bị rối loạn cholesterol di truyền dạng đồng hợp tử; còn anh kỹ sư bị rối loạn cholesterol di truyền máu dạng dị hợp tử. Đây đều là những yếu tố cần quan tâm. Khi cơ thể không điều hòa cholesterol được sẽ gây bệnh ở tim, não, mạch máu ngoại vi, động mạch chủ và nhiều nơi khác trong cơ thể”, các bác sĩ chuyên khoa cho biết.
2. Ăn chay, hạn chế thực phẩm chiên rán vẫn bị mỡ máu cao
Giải thích cho hiện tượng nhiều người ăn chay thường xuyên, tập thể dục hằng ngày hoặc kiêng mỡ động vật, ít ăn thực phẩm chiên rán,… nhưng vẫn bị rối loạn mỡ máu, các chuyên gia cho biết có thể do yếu tố di truyền.
“Người gầy, người trẻ hoàn toàn có thể bị rối loạn lipid máu nếu ăn uống không lành mạnh như: ăn nhiều nội tạng động vật, thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá, ít vận động…”, một bác sĩ nhấn mạnh.
Rối loạn mỡ máu là một trong bốn yếu tố gây nên xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới. Với một người bệnh bị nhồi máu cơ tim, sau khi được nong mạch vành, vẫn phải đưa huyết áp xuống dưới 120 mmHg, bỏ thuốc lá, thay đổi chế độ ăn (ưu tiên rau củ quả, cá nhiều hơn, không ăn thịt đỏ), kiểm soát đường huyết,… Mục tiêu quan trọng là phải kiểm soát mỡ máu, đưa LDL cholesterol xuống dưới 55 mg/dL.
Các bác sĩ khuyến nghị, những người khỏe mạnh nên xét nghiệm cholesterol 1-2 lần mỗi năm. Người bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, suy tuyến giáp, bệnh gan mạn tính, thừa cân – béo phì… nên kiểm tra cholesterol mỗi 3 tháng để phát hiện sớm bất thường lipid máu và điều trị kịp thời.
3. Cá thể hóa điều trị rối loạn mỡ máu
Các bác sĩ tại BV Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, rối loạn mỡ máu gây ra những biến chứng tim mạch như xơ vữa, tắc mạch máu ở não, tim hay tứ chi. Với mỗi tổn thương ở cơ quan đó sẽ có những dấu hiệu báo trước để người bệnh kịp thời đến thăm khám, phát hiện và điều trị sớm.
“Ở tim, người bệnh có thể đau ngực do hẹp mạch vành, đau ngực khi gắng sức hoặc nặng hơn nữa là khi nghỉ cũng thấy đau. Những triệu chứng như khó thở, tức ngực cũng là dấu hiệu cần đi khám sức khỏe. Đối với bệnh lý mạch máu não, nếu có những cơn chóng mặt, yếu liệt tay chân thoáng qua hoặc tê tay…, người bệnh phải khám ngay”, bác sĩ Thư (BV Đa khoa Tâm Anh) nói.
Theo bác sĩ Thư, mỗi người sẽ có tỷ lệ mỡ máu khác nhau, do đó bác sĩ sẽ đánh giá ở nguy cơ mức nào thì điều trị ở mức độ đó, cá thể hóa điều trị để có kết quả tối ưu.
Ví dụ, một người có bệnh mạch vành thì LDL cholesterol mục tiêu dưới 55 mg/dL. Nếu con số 100 mg/dl là bình thường ở người không có bệnh mạch vành, được xếp vào loại có nguy cơ thấp; thì 100 mg/dL là cao đối với người hẹp mạch vành và cần phải điều trị.
Người bệnh cần duy trì hoạt động thể chất từ 30 – 60 phút mỗi ngày, 5-7 ngày trong tuần để phòng ngừa biến chứng rối loạn mỡ máu. Đặc biệt lưu ý, người bệnh cần tham vấn bác sĩ về cường độ hoạt động phù hợp.
Theo VTV Online