Nhận diện nguy cơ từ chia sẻ của ca sĩ Tố My bị tiền đột quỵ
[Tạp chí điện tử Người đô thị] Chuyên gia điều trị đột quỵ cảnh báo những dấu hiệu thiếu máu não thoáng qua được xem là tiền đột quỵ, nhưng vì ngộ nhận “thoáng qua” là hiện tượng bình thường nên nhiều người không quan tâm nữa, dẫn đến thiếu cảnh giác và có thể trở thành đột quỵ nặng.
Người trẻ đừng chủ quan sức khỏe
Dự án Tomy’s Secret của ca sĩ Tố My với 8 video music thuộc dòng nhạc bolero, ballad, nhạc Hoa lời Việt phát sóng trên Youtube từ những ngày cận Tết kéo dài sang năm 2024. Tại buổi gặp gỡ báo chí ra mắt dự án, Tố My đã lần đầu kể lại biến cố sức khỏe vừa trải qua.
Ngày 10/12/2023, trở về Việt Nam sau chuyến lưu diễn ở Mỹ, Tố My cảm thấy đau đầu, buồn nôn. Khoảng 23 giờ cùng ngày, các triệu chứng mỗi lúc một nặng nên cô nhờ trợ lý đưa vào cấp cứu tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM. Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Tố My có dấu hiệu tiền đột quỵ, mạch máu não tổn thương nhẹ. Nguyên nhân có thể vì cô bị suy nhược sau chuyến lưu diễn kéo dài và chênh lệch múi giờ, thời tiết, nhiệt độ lớn giữa hai quốc gia.
Nhờ cấp cứu kịp thời nên Tố My không bị những biến chứng nguy hiểm. Sau 4 ngày nằm viện, cô hồi phục tốt nên được về nhà.
Theo Tố My, biến cố sức khỏe lần này là hệ quả từ thói quen sinh hoạt kém điều độ, thường tắm đêm, thức khuya, lịch chạy show dày đặc. Có thời gian đi tour liên tục ở nước ngoài, mỗi ngày cô chỉ chợp mắt vài giờ. Việc kinh doanh hai thẩm mỹ viện cũng làm cô lo lắng tài chính, từ đó tinh thần lao lực.
Hiện Tố My đã điều chỉnh lại lối sống. “Tôi dần học cách làm việc khoa học, đi ngủ sớm hơn. Trước đây, tôi ăn uống kiêng khem quá mức, khiến thể chất yếu đi. Tôi nhờ bác sĩ tư vấn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, thiết kế khẩu phần ít thịt đỏ, nhiều rau cá, uống sữa hạt mỗi ngày…”, Tố My kể.
Trên trang cá nhân, nữ ca sĩ cũng nhắn nhủ đến mọi người, đặc biệt những người trẻ, đừng bao giờ chủ quan với sức khỏe: “Sức khỏe là thứ quý giá nhất cuộc đời này, hãy quan tâm và nâng niu sức khỏe khi còn có thể”.
Dấu hiệu bị tiền đột quỵ
TS-BS. Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM; Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ) cho biết, theo Hội Đột quỵ Hoa Kỳ thì những dấu hiệu sau là tiền đột quỵ – còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): tự nhiên tê yếu tay chân thoáng qua, nhất là cùng một bên; tự nhiên nói khó, nuốt sặc, méo miệng; tự nhiên mờ mắt, choáng váng, không kiểm soát được cơ thể, mất ý thức thoáng qua; tự nhiên đau đầu dữ dội không giải thích được.
Các triệu chứng này có thể chỉ diễn ra trong vài giây, vài phút sau đó trở lại bình thường và lập đi lập lại. Hội Đột quỵ Hoa Kỳ cũng cho rằng những người có các triệu chứng này thì nguy cơ tai biến mạch máu não tăng lên rất nhiều.
“Thời gian gần đây quan niệm về thiếu máu não thoáng qua không còn đơn thuần là hiện tượng thoáng qua nữa. “Thoáng qua” chính là những gì chúng ta không cần quan tâm nữa. Ngày nay, quan niệm đó đang dần thay đổi. Cơn thiếu máu não thoáng qua được cảnh báo là cơn đột quỵ nhẹ. Người ta đã cảnh báo vấn đề này nhiều, rằng dấu hiệu đột quỵ nhẹ và dấu hiệu đột quỵ sớm đều là một”, BS. Cường nói.
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường là do tình trạng xơ vữa trong động mạch hoặc một nhánh cung cấp máu cho não, dẫn đến giảm lưu lượng máu qua động mạch hoặc tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Cục máu đông hình thành từ một vị trí khác trong cơ thể (như ở tim) rồi di chuyển đến mạch máu cung cấp máu cho não cũng có thể gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này được miêu tả qua các triệu chứng chóng mặt và yếu tay chân.
Cơn chóng mặt này sẽ kèm theo các yếu tố điển hình như tê yếu tay chân nửa bên cơ thể, liên quan đến giọng nói đớ, không còn kiểm soát được giọng nói của mình. Cơn chóng mặt này cũng sẽ kèm theo cơn mất ý thức thoáng qua, tức là đang kiểm soát cơ thể bình thường nhưng rồi té ngã, mất ý thức… “Nếu ai đó có 3 – 4 dấu hiệu cộng lại của cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình, thì có thể khẳng định rằng đó là dấu hiệu của tiền đột quỵ, sắp đi vào giai đoạn đột quỵ chứ không phải thoáng qua rồi thôi”, BS. Cường lưu ý.
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường được mọi người nghĩ là hiện tượng bình thường, lành tính. Tuy nhiên, thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong khoảng 6 tháng. Cũng có những trường hợp bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng hôm sau họ đột quỵ nặng… “Vậy nên đừng sử dụng cụm từ “thiếu máu não thoáng qua” như trước nữa mà nên chuyển qua chữ “tiền đột quỵ” hoặc “đột quỵ nhẹ” để mọi người nhận thức rõ họ có thể trở thành đột quỵ nặng”, BS. Cường nhấn mạnh.
Để phân biệt chính xác cơn thiếu máu não thoáng qua với bệnh lý khác, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện. Ở góc độ cộng đồng, có thể phân loại ban đầu: khi chỉ xảy ra một triệu chứng đơn độc thì không nói đó là đột quỵ.
Tránh để đột quỵ rồi mới chữa
Theo BS. Cường, bất kỳ ai, độ tuổi nào cũng đều có khả năng bị đột quỵ. Trong đó, có một số nhóm người nguy cơ cao hơn, bao gồm: người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, rối loạn lipid máu; người thừa cân, béo phì; gia đình từng có người bị đột quỵ; người lạm dụng thuốc lá, rượu bia; người ít vận động, lối sống thụ động; người thường xuyên sử dụng đồ ăn có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao; và người bước qua tuổi trung niên.
Khi phát hiện ai đó bị đột quỵ nhẹ, cần đưa người đó tìm một chỗ nghỉ ngơi và khẩn trương gọi cấp cứu. Sơ cứu ban đầu là việc của nhân viên y tế. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là trước 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn và trước 4 giờ 30 đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Sau 6 giờ là thời gian điều trị cứu vãn theo từng trường hợp cụ thể. Cần nhớ rằng tiết kiệm một phút, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được hai triệu tế bào thần kinh.
BS. Cường cho biết không thể phòng ngừa hay ngăn chặn đột quỵ hoàn toàn, bởi liên quan đến nhiều yếu tố. Đặc biệt là những người 80, 90 tuổi, hệ mạch máu đang ở giai đoạn lão hóa cuối cùng, rất khó để kéo về tuổi 20. Tuy rất khó thay đổi từ nguy cơ cao, rất cao thành thấp nhưng không quá khó để có thể đẩy lùi những yếu tố nguy cơ do hoạt động sai lầm, ý thức kém. Đột quỵ thường xảy ra khi cơ thể có những thay đổi đột ngột. Mọi người khi tắm nhiệt độ cơ thể sẽ thay đổi đột ngột theo nhiệt độ của nước. Nếu khoảng chênh lệch này lớn có thể gây tình trạng sốc nhiệt, nhất là trong trường hợp tắm nước lạnh về đêm. Vì vậy, không nên tắm quá khuya và nhiệt độ nước quá lạnh. Tốt nhất nhiệt độ nước tương đương nhiệt độ cơ thể, khoảng 37 độ C…
Để phòng ngừa đột quỵ cần kiểm soát tất cả nguy cơ do thói quen xấu như: hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn nhiều chất béo, ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Những thói quen này có thể dẫn đến tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao…, là những bệnh lý nền gây đột quỵ. Cần tích cực vận động, tập thể dục thường xuyên tối thiểu 30 phút / lần tập, tăng cường lối sống lành mạnh, tránh thức khuya, ngủ đúng giờ – đủ giấc và chú ý đến chất lượng giấc ngủ. Cân bằng công việc và cuộc sống, tránh bị stress, làm việc quá sức, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ăn uống thực phẩm sạch, nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước. Kiểm soát cân nặng nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm tra đường huyết và huyết áp thường xuyên. Tiết chế ăn uống giảm mặn giúp kiểm soát tốt huyết áp, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ…
“Nếu đã xảy ra tai biến hay bị đột quỵ nhẹ, cần phải đi tầm soát ngay để ước chừng được nguy cơ đến đâu và bác sĩ sẽ điều trị với mức độ phù hợp. Khi có dấu hiệu bất thường như tê yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng, nói khó, ngất xỉu thoáng qua,… cần đi tầm soát đột quỵ để điều trị kịp thời, tránh trường hợp xảy ra đột quỵ rồi mới chữa”, BS. Cường lưu ý.
Dự phòng sức khoẻ bằng cách chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ cùng Sakura Medical: https://skr.vn/dich-vu/tam-soat-dot-quy/