Nguyên nhân đột quỵ đến từ yếu tố bệnh nền
Bệnh lý đột quỵ có thể xảy ra khi có sự bất thường về lưu lượng máu trong các mạch máu của não gồm tắc nghẽn hoặc chảy máu. Ngoài ra, cơn đột quỵ cũng ảnh hưởng đến động mạch, tĩnh mạch hoặc mao mạch não. Đây là một trường hợp cần cấp cứu và có thể điều trị nếu phát hiện kịp thời. Trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, yếu tố bệnh nền có thể được cảnh báo sớm để xử lý kịp thời.
1. Yếu tố bệnh nền – nguy cơ dẫn đến đột quỵ cao
Nhiều nghiên cứu cho thấy các cơn đột quỵ do mạch máu bị tắc nghẽn gây thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân do cục máu đông phát triển hoặc tích tụ mảnh vụn mảng bám khiến mạch máu bị tắc nghẽn, giảm lưu lượng máu đến não.
Loại đột quỵ này thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là người có lượng mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường, huyết áp cao. Vì khi lượng chất béo, đường huyết và huyết áp tăng cao sẽ tạo áp lực làm tổn thương niêm mạc động mạch, dễ tích tụ mảng bám, tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Một nghiên cứu trên tạp chí Stroke đã theo dõi 774 phụ nữ Mỹ bị đột quỵ trong khoảng tám năm. Mỗi người được so sánh với một phụ nữ khác không bị đột quỵ ở cùng độ tuổi và chủng tộc. Kết quả cho thấy 1/4 phụ nữ có chỉ số mỡ máu cao ngay từ đầu nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 56% so với 1/4 phụ nữ có chỉ số mỡ máu bình thường.
Năm 2022, Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai công bố nghiên cứu về tình hình đột quỵ tại Việt Nam cho thấy 78% số ca đột quỵ là do tăng huyết áp. Bộ Y tế cũng cho biết những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với bình thường.
Theo Đại học Johns Hopkins, tình trạng mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường thường gặp từ tuổi trung niên trở lên nên khá nhiều người chủ quan trong phòng bệnh. Các tác nhân này không chỉ tác động riêng lẻ mà còn có thể đồng thời xuất hiện, làm tăng nguy cơ và mức độ nguy hiểm của đột quỵ.
Các nghiên cứu cho thấy người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ bị cao huyết áp gấp đôi người khỏe mạnh.
Tiểu đường làm tổn thương và khiến mạch máu cứng lại dẫn đến huyết áp cao. Khi mắc hai trường hợp này cùng lúc, người bệnh sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp bốn lần so với người không mắc một trong hai bệnh này. Ngoài ra, các bệnh về tim mạch cũng gây tắc nghẽn dần dần các mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Tăng huyết áp và mỡ máu cao cũng có mối liên hệ khi cơ thể xuất hiện mảng bám cholesterol. Tình trạng này khiến động mạch cứng và hẹp; từ đó làm tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và dẫn đến huyết áp tăng cao.
Trong đó, yếu tố do tuổi tác và chỉ số khối cơ thể cao hoặc thói quen như ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, nhiều muối, hút thuốc, uống rượu bia… là những nguyên nhân gây nên nguy cơ đối với bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và mỡ máu cao.
2. Kịp thời nhận diện nguy cơ yếu tố bệnh nền để phòng ngừa đột quỵ
Đột quỵ có thể tái phát. Theo các nhà khoa học, khoảng 3% trường hợp bị tái phát trong vòng 30 ngày kể từ lần đột quỵ đầu tiên và khoảng 1/3 trường hợp bị đột quỵ lần hai trong vòng hai năm. Tỉ lệ tàn tật nghiêm trọng và tử vong tăng lên sau mỗi lần tái phát.
Do đó, người từng bị đột quỵ có thể ngăn ngừa tái phát bằng cách điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh như huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tiểu đường… Hạn chế các yếu tố đi kèm có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến như tắm khuya lạnh, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, thức khuya.
Nếu không may bị đột quỵ, cấp cứu kịp thời trong giờ ‘vàng’ rất quan trọng giúp tăng khả năng cứu sống và phục hồi. “Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ là từ 3-4,5 giờ hoặc mở rộng lên 6-24 giờ đầu kể từ lúc khởi phát triệu chứng.
Để phòng ngừa đột quỵ, mọi người nên có chế độ ăn uống lành mạnh (như hạn chế muối, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ, thực phẩm giàu chất xơ), duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế uống rượu.
Yếu tố bệnh nền đem đến nguy cơ đột quỵ tương đối cao, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh nó bằng cách chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là thực hiện tầm soát đột quỵ theo chỉ dẫn và hướng dẫn của chuyên gia.