Mối liên hệ giữa đột quỵ và trầm cảm
Thời gian gần đây, tỷ lệ trầm cảm ở các bệnh nhân sau đột quỵ ngày càng cao và dần trở nên phổ biến hay thậm chí tệ hơn với những người có trầm cảm trước đột quỵ. Dưới đây là những chia sẻ của TS. BS. Đỗ Văn Chiến (Bệnh viện TWQĐ 108).
Sự phát triển vũ bão trong điều trị về nội khoa và can thiệp đang dần thay đổi bộ mặt của đột quỵ não. Tuy vậy, đột quỵ não hay còn được biết đến với thuật ngữ “tai biến mạch máu não” vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự của xã hội, bởi tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sau biến cố còn rất cao. Đánh giá khả năng cứu sống và hồi phục chức năng của người bị đột quỵ không chỉ phụ thuộc vào đặc tính tổn thương và thời gian xảy ra biến cố mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác.
1. Những điều cần biết về đột quỵ não
Đột quỵ não là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não do tắc nghẽn, tổn thương gây chảy máu làm giảm hoặc mất chức năng của các tế bào não. Di chứng sau đột quỵ phụ thuộc vào vùng chức năng mà xuất hiện các triệu chứng khác nhau và mức độ nặng tương ứng khác nhau như liệt vận động chi thể, nửa người hoặc chỉ nằm 1 chỗ, hay các rối loạn cảm giác: giảm cảm giác vùng, mất hoàn toàn cảm giác hoặc dị cảm. Rối loạn ngôn ngữ và khả năng lưu nhớ thông tin hoặc mất trí nhớ cũng là những di chứng thường gặp…
Được ví như “sứ giả của thần chết” – đột quỵ đến bất ngờ và nhanh chóng cướp lấy sinh mệnh của “nạn nhân” xấu số. Ngày nay tỷ lệ tử vong do đột quỵ không ngừng tăng và chỉ đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Song song với đó, tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống cũng ngày càng tăng cao khi chiến thuật điều trị cấp cứu “Time is brain” được công bố và thực hiện cùng với sự phát triển của thuốc và kỹ thuật can thiệp.
Tuy nhiên sau khi người bệnh thoát khỏi tử vong, di chứng để lại vẫn vô cùng nặng nề cả về khả năng vận động, cảm giác lẫn tinh thần, vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có tới 80% tổng số bệnh nhân sau đột quỵ để lại di chứng, tùy thuộc vào vùng tổn thương, thời gian tổn thương.
2. Diễn biến tâm lý và biểu hiện trầm cảm sau đột quỵ
Tình hình đáng chú ý thời gian gần đây, các bệnh nhân sau đột quỵ có tỷ lệ trầm cảm ngày một cao, trở nên phổ biến và thậm chí tệ hơn với những người bị trầm cảm trước đột quỵ. Sau một biến cố sức khỏe lớn, mỗi bệnh nhân có cách đối diện khác nhau với bệnh tật. Nhưng đa phần bệnh nhân sau đột quỵ thường có khoảng thời gian stress kéo dài, kết hợp tình trạng suy giảm khả năng nhận thức, cảm giác và vận động dẫn đến mất dần khả hòa nhập và chia sẻ.
Phần lớn người bệnh đột quỵ mặc cảm vì phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình và người thân, coi mình là gánh nặng của xã hội. Diễn biến tâm lý và sức khỏe tinh thần của mỗi bệnh nhân là khác nhau, đa số trong trạng thái kìm kẹp, căng thẳng cảm xúc không thể giải tỏa. Khi đó họ thường biểu hiện tức giận vô cớ hoặc từ chối tiếp nhận chăm sóc, mang sắc thái u buồn.
Điểm quan trọng đối với quản lý bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm là cá nhân hóa điều trị, quan tâm đến sắc thái bệnh lý và thay đổi trong tâm lý bệnh nhân. Không để bệnh nhân tự coi mình như 1 gánh nặng hoặc là 1 cá thể vô dụng, luôn động viên và chăm sóc tận tình, dùng tâm lý điều trị tâm lý.