Ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết nguyên đán 2024

Bệnh nhân đột quỵ vào Bệnh viện TWQĐ 108 Tết năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; các viện ở TP HCM như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng ghi nhận tương tự.

Ngày 21/2, TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện TWQĐ 108 (Hà Nội), cho biết thông thường dịp lễ Tết, lượng bệnh nhân cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển đến nhiều hơn.

“Tuy nhiên, chưa năm nào bệnh tăng đột biến như năm nay, tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán”, ông Tuyến nói, thêm rằng cận Tết, các bác sĩ liên tục xử trí, cứu sống 5 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và nhồi máu não.

7 ngày nghỉ Tết, nơi này tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị. Các bác sĩ can thiệp nội mạch cấp cứu cho 28 bệnh nhân, gồm 16 ca nhồi máu não, 12 ca xuất huyết dưới nhện. 5 bệnh nhân xuất huyết não được phẫu thuật giải áp kết hợp đặt dẫn lưu não thất mở cấp cứu.

Nhiều người được các bệnh viện tuyến dưới khu vực miền Bắc chuyển đến với tình trạng rất nặng. Chẳng hạn, ông Hoàng, 84 tuổi ở Nam Định, cấp cứu với ý thức suy giảm nhanh, liệt nửa người trái giờ thứ 7. Các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não tắc đỉnh động mạch thân nền – nguồn nuôi quan trọng nhất của não bộ. Sau khi được can thiệp hút huyết khối tái lập lưu thông mạch não, bệnh nhân giữ được tính mạng, hiện điều trị tại viện.

Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện TWQĐ 108
Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện TWQĐ 108

Tại TP HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận hơn 300 ca đột quỵ đến cấp cứu trong một tuần nghỉ Tết, tăng so với năm ngoái. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trong số này, 162 bệnh nhân may mắn phục hồi tốt và xuất viện ngay trong Tết. Số còn lại được tiếp tục điều trị cùng những bệnh nhân đột quỵ trước đó.

“Số ca đột quỵ dịp Tết tương đương ngày thường, không giảm dịp Tết”, bác sĩ Thắng nói, thêm rằng nhiều bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh thành khác, trong đó nhiều ca đột quỵ trẻ, ở tuổi đôi mươi.

Còn bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết số ca đột quỵ trong dịp Tết năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, song giảm một nửa so với ngày thường.

Dịp Tết, khí hậu miền Bắc thay đổi thất thường, đang nóng chuyển lạnh hoặc ngược lại là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, theo bác sĩ Tuyến. Một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp, đặc biệt là bệnh nhân trẻ, hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường, cũng gây đột quỵ.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.00 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.

Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực…

TS Tuyến khuyến cáo, người dân nói chung, kể cả người trẻ tuổi có bệnh nền nên thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, để tránh hậu quả khôn lường đến từ đột quỵ não.

Cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ qua FAST:

FACE: Mặt có cảm giác tê cứng, khi cười 1 bên mặt bị lệch, cười méo miệng, rối loạn thị lực.

ARM: Tay và chân tê mỏi hoặc không nâng được tay, chân 1 bên.

SPEECH: Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.

TIME: Cần gọi cấp cứu đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ não càng nhanh càng tốt.

Khi quan sát thấy ai có ít nhất một trong ba biểu hiện trên (lệch mặt, yếu tay chân, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay, không trì hoãn. Khung giờ vàng để có kết quả điều trị tốt nhất là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc đột quỵ.

Theo Báo VnExpress

Các bài viết khác

Tìm hiểu các loại đột quỵ dưới góc nhìn khoa học

Tìm hiểu các loại đột quỵ dưới góc nhìn khoa học

Đột quỵ giống như một cuộc tấn công não xảy ra khi có một tác động ngăn chặn việc cung cấp máu cho một phần của não hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ. Đột quỵ có...
Xem chi tiết
Nhận biết sự thay đổi bất thường về mặt ngôn ngữ để đối phó với đột quỵ

Nhận biết sự thay đổi bất thường về mặt ngôn ngữ để đối phó với đột quỵ

Đột quỵ, một trong những tình trạng y tế cấp cứu hàng đầu trên toàn cầu. Thường được biết đến với các triệu chứng như yếu cơ và tê liệt. Tuy nhiên, một dấu hiệu ít được biết đến...
Xem chi tiết
Bệnh van tim có thể dẫn đến đột quỵ – Hiểu rõ mối liên hệ và cách phòng ngừa

Bệnh van tim có thể dẫn đến đột quỵ – Hiểu rõ mối liên hệ và cách phòng ngừa

Bệnh van tim, một tình trạng y khoa phổ biến nhưng thường bị bỏ qua, đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng sự thật...
Xem chi tiết