5 điều bạn cần biết về bệnh đột quỵ!
Nhắc đến nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong hiện nay chắc chắn không thể thiếu bệnh lý đột quỵ nguy hiểm, khi mà kiến thức về bệnh đột quỵ vẫn còn rất hạn chế với đa số mọi người. Tâm lý “để khi bệnh mới khám” đã gây ra không biết bao nhiêu hậu quả đáng tiếc, bởi vậy 5 thông tin quý báu được đúc rút dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về căn bệnh đáng sợ này, từ đó giúp bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn.
1. Đột quỵ nguy hiểm vì nó liên quan trực tiếp đến não
Theo các chuyên gia, Đột quỵ (tên tiếng anh là stroke) hay còn được gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra một cách đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não đột nhiên bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm nhanh chóng. Lúc này, não bộ sẽ bị thiếu oxy, dinh dưỡng dẫn đến các tế bào não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút.
Thông thường, người bị đột quỵ sẽ có nguy cơ tử vong cao so với những bệnh lý khác do não bộ điều khiển trực tiếp hoạt động của cơ thể, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Tử vong. Đột quỵ đã khiến các chuyên gia y khoa liệt kê vào danh sách những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay.
2. Đột quỵ nguy hiểm vì nó có thể để lại di chứng về sau
80% bệnh nhân sau đột quỵ phải chịu những di chứng do bệnh lý này để lại. Các biến chứng của đột quỵ có thể bao gồm rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, trầm cảm, cơ tròn không tự chủ, xẹp phổi, viêm phổi, và rối loạn nuốt, có thể dẫn đến sặc, mất nước, hoặc thiếu dinh dưỡng.
Ngoài ra đột quỵ sẽ dẫn đến bệnh lý huyết khối tắc mạch, suy kiệt, mất khối cơ, nhiễm trùng tiết niệu, loét tỳ đè, và co cứng cơ.
Do vậy, đừng mang tâm lý “khi nào bệnh mới khám” bởi lẽ một khi đã bị đột quỵ thì khả năng để lại biến chứng về sau vẫn còn rất cao.
3. Không phải chỉ người cao tuổi mới dễ bị đột quỵ!
Trong những năm gần đây, tai biến mạch máu não đang có xu hướng gia tăng ở những người còn trẻ tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 15 đến 45 chứ không phải ở người già như chúng ta vẫn tưởng. Các nguyên nhân chính gồm có:
- Mắc các bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp,… Những bệnh này sẽ làm đẩy nhanh quá trình hình thành các cục máu đông và mảng xơ vữa gây ra tình trạng tắc mạch máu.
- Tiền sử bệnh án gia đình có người thân từng bị đột quỵ
- Rối loạn tăng đông máu do thiếu hụt protein di truyền
- Do mắc bệnh hồng cầu hình liềm
- Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, viêm mạch hệ thống
- Tổn thương về mạch máu như vỡ dị dạng mạch máu não hoặc chứng rối loạn đông máu
- Thói quen xấu: Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ma túy
- Chế độ sinh hoạt không điều độ, ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng
- Làm việc trong môi trường căng thẳng và quá sức trong thời gian dài
Một số thói quen có thể đột quỵ nguy hiểm mà người trẻ vẫn thường xuyên mắc phải như: tắm đêm hay bỏ bữa sáng.
4. 6 dấu hiệu nhận biết đột quỵ dễ thấy nhất
Đột quỵ xảy ra một cách đột ngột nên nếu như không để ý quan sát rất có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường. Đây là một số dấu hiệu cần nhận biết và sơ cứu ngay khi người khác gặp đột quỵ:
- Dấu hiệu số 1 – Liệt: Kiểm tra xem người đó có bị liệt ở một bên cơ thể không. Đặc biệt, hãy xem xem mặt, cánh tay hoặc chân có một bên bị yếu đi một cách đột ngột không
- Dấu hiệu số 2 – Khó nói chuyện bình thường: Nếu người nào đó đột nhiên nói ngọng, hoặc không thể diễn đạt ngôn ngữ như bình thường, hãy kiểm tra xem họ đang có vấn đề hay không
- Dấu hiệu số 3 – Mất cảm giác: Người bị đột quỵ có thể không cảm nhận được một phần cơ thể hoặc mất cảm giác ở một bên.
- Dấu hiệu số 4 – Khó vận động thanh quản: Người bị đột quỵ có thể gặp khó khăn trong việc nuốt nước bọt hoặc ăn uống
- Dấu hiệu số 5 – Rối loạn thăng bằng: Người bị đột quỵ có thể mất thăng bằng, khó kiểm soát chuyển động.
- Dấu hiệu số 6 – Mất ý thức: Người bệnh đột quỵ có thể mất dần ý thức, rơi vào hôn mê bất tỉnh, cần ngay lập tức sơ cứu và đưa tới cơ sở khám bệnh.
5. Cách sơ cứu khẩn cấp khi có người bị đột quỵ
Bước 1: Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp
Nếu bạn đang có các triệu chứng đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.
Nếu bạn đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng mát, không gian thoải mái.
Bước 2: Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu
- Quỳ sang một bên của người bệnh, đặt tay người bệnh hướng lên trên vuông góc với bạn.
- Kéo tay bên kia của người bệnh lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài.
- Kéo chân co lên để lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Giữ tư thế đó và kéo nạn nhân quay về phía cửa bạn.
- Hoàn thành tư thế hồi sức.
6. Kết luận
Trên đây là những điều quan trọng cần biết về bệnh lý đột quỵ để tự bảo vệ, phòng ngừa cho bản thân và người thân. Nên nhớ, trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là yếu tố cấp bách nhất nên mọi lúc mọi nơi cần trang bị những kiến thức cần thiết bảo vệ sức khỏe cho chính mình.