Trời rét đậm, số lượng bệnh nhân tai biến gia tăng

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca nhập viện do các bệnh lý đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch… tăng 10-15%. Trong khi đó tại Bệnh viện E ghi nhận ca đột quỵ não còn rất trẻ.

Đang chơi bóng bàn bỗng khó nói, yếu nửa người

Bệnh viện E cho biết, nam bệnh nhân 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện E đêm 18/12, trong tình trạng yếu nửa người trái, khó nói chuyện. Kết quả chiếu chụp, xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não.

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao (bóng bàn) tại cơ quan sau giờ làm việc.

Dot Quy
Nhờ được can thiệp sớm, nam bệnh nhân đang dần bình phục (Ảnh: T.X)

Đáng nói, khi bệnh nhân xuất hiện biểu hiện này, lúc đầu mọi người nghĩ bị trúng gió, sau đó nghi ngờ tình trạng yếu nửa người do đột quỵ nên mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, người bệnh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Gia tăng bệnh nhân tai biến, đột quỵ

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mấy ngày trời trở lạnh, các bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng lên.

“Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi, mà kể cả người trẻ. Các bệnh nhân không chỉ bị đột quỵ, tim mạch, mà còn mắc các bệnh lý khác như  đột quỵ não, bệnh lý thần kinh, đặc biệt bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện đều quá tải”, TS Khôi thông tin.

Theo chuyên gia này, số bệnh nhân nhập viện tăng ít nhất 10-15%. Như tại Trung tâm thần kinh, bình thường 30-50 bệnh nhân vào một ngày, đêm. Trong đợt lạnh này, ngày nào cũng trên 50 ca vào viện, có ngày 60-70. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh…

Troi Lanh
Khi trời trở lạnh, số lượng ca đột quỵ não có xu hướng tăng

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…

Trong khoảng thời gian vàng 3-4 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Trong khi đó, điều trị muộn, không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình phải chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo báo Dân trí

Các bài viết khác

Đừng chủ quan nếu đột nhiên đi lại khó khăn

Đừng chủ quan nếu đột nhiên đi lại khó khăn

Đột nhiên đi lại khó khăn, nhất là khi nó xảy ra đột ngột, có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khá nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. Việc quan tâm đến từng thay đổi nhỏ...
Xem chi tiết
Mối liên hệ giữa đột quỵ và trầm cảm

Mối liên hệ giữa đột quỵ và trầm cảm

Thời gian gần đây, tỷ lệ trầm cảm ở các bệnh nhân sau đột quỵ ngày càng cao và dần trở nên phổ biến hay thậm chí tệ hơn với những người có trầm cảm trước đột quỵ. Dưới...
Xem chi tiết
Phòng ngừa đột quỵ do tăng huyết áp (Tai biến mạch máu não)

Phòng ngừa đột quỵ do tăng huyết áp (Tai biến mạch máu não)

Đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não, là thuật ngữ chung để chỉ các bệnh do tắc mạch não hay xuất huyết não. Bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi và để...
Xem chi tiết