Người bệnh tai biến hết sức cẩn thận khi dùng “thực phẩm vàng” này!
[Báo Tuổi trẻ] Tỏi không chỉ là “thực phẩm vàng” trong phòng chống cúm mùa lạnh mà còn là vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu từ thiên nhiên có tác dụng với nhiều bệnh. Tuy nhiên tác dụng phụ của tỏi lại tương tác tai hại với nhiều loại thuốc, nên cần chú ý khi sử dụng.
Theo BS Đinh Minh Trí – Đại học Y Dược TP.HCM, thành phần của tỏi chứa nhiều chất kháng sinh allicin giúp chống lại các vi rút gây bệnh.
Tinh dầu từ tỏi giàu glucogen và alin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrat carbon, polisacarit, inulin, fotoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như: iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng.
Loại gia vị này còn giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, giàu chất chống oxy hóa, giúp khôi phục hoạt động của các tế bào trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại rất nhiều bệnh tật: đau bụng cảm cúm, đầy bụng, khó tiêu, giải độc cho cơ thể, tốt cho tim, gan, xương khớp, giảm huyết áp, tiểu đường…
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, cho biết một số công trình nghiên cứu mới nhất cho thấy tỏi có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng tác dụng phụ của tỏi lại tương tác với nhiều loại thuốc nên những người dùng thuốc điều trị cần chú ý khi dùng tỏi.
Mất khả năng điều trị vi rút
Tỏi có tác dụng đáng kể lên hệ miễn dịch; tăng hoạt tính các thực bào lymphô cyte, nhất là với thực bào CD4 giúp cơ thể bảo vệ màng tế bào chống tổn thương nhiễm sắc thể ADN; kháng vi rút; phòng chống nhiễm trùng. Dùng tỏi có thể ngăn ngừa được một số bệnh gây ra do vi rút như cúm, cảm lạnh và nhiều loại vi rút khác.
Tuy nhiên, nếu đang bị bệnh do vi rút phải điều trị bằng thuốc đặc biệt là các thuốc kháng vi rút, có tác dụng ức chế vi rút được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh nhiễm vi rút như HIV, viêm gan B… Tỏi cũng là thảo dược có tác dụng điều trị vi rút, nhưng hãy thận trọng khi dùng chung.
Lý do tỏi làm chậm và giảm sự hấp thu của các thuốc ức chế vi rút, nên khi vừa dùng thuốc vừa dùng tỏi, tỏi sẽ phát huy công hiệu trước do nó là sản phẩm tự nhiên có nhiều đặc tính dễ hấp thu, ngăn cản không cho thuốc được hấp thu tối đa.
Vì vậy, hiệu lực điều trị của thuốc sẽ giảm xuống. Trong khi đó, hiệu lực diệt vi rút của tỏi lại không đặc hiệu và không mạnh bằng thuốc. Như thế, mục tiêu điều trị sẽ không thành công.
Vì vậy, nên dùng tỏi trước một tuần trước khi có ý định điều trị. Khi điều trị, một là phải tăng liều thuốc, điều này khó thực hiện. Hai là phải giảm tỏi và tiến đến ngừng tỏi. Như thế sẽ bảo toàn tác dụng.
Trong trường hợp không biết và đã trót dùng kéo dài tỏi thì xử lý rất đơn giản, chỉ cần uống tăng liều thuốc hiện tại đang uống lên 20% trong một ngày và ngừng tỏi. Ngày hôm sau, mọi việc lại trở về bình thường.
Thuốc chống kết dính tiểu cầu điều trị tim mạch, đột quỵ
Thuốc chống kết dính tiểu cầu là những thuốc có tác dụng chống lại sự kết tụ các tế bào tiểu cầu thành một đám. Thuốc thường được dùng như là một biện pháp điều trị dự phòng tái phát cho người bị bệnh mạch vành như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, đột quỵ não thể nhồi máu.
Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc như thế này thì nên tránh tỏi. Vì tỏi cũng là một loại thảo dược có tác dụng chống sự kết dính tiểu cầu. Dùng tỏi cùng thuốc sẽ dẫn đến hậu quả là chống kết dính tiểu cầu quá mức, khiến cho các sự cố va đập chấn thương mất cơ chế tự bảo vệ, y hệt như người dùng thuốc quá liều vậy.
Phương án xử lý nếu như đã lỡ dùng tỏi liều cao hoặc dùng thuốc cùng tỏi, bạn nên hạn chế vận động mạnh vì có thể bị chảy máu nội tạng hoặc chảy máu không cầm do vi chấn thương bên trong. Tuyệt đối không nên chạy nhảy hay tập thể thao trong khoảng thời gian 2 ngày sau khi dùng chung.
Còn nếu chưa dùng chung thì tốt nhất là nên dừng tỏi lại, vì lúc này tác dụng điều trị cần đạt đến hơn. Nếu có dự định phải làm phẫu thuật thì cần tránh tuyệt đối tỏi trong vòng tối thiểu 1 tuần trước thời điểm đụng dao kéo.
Thuốc chống đông máu trị mỡ máu, tắc mạch
Sự cố chảy máu khó cầm cũng giống như khi chúng ta dùng chung tỏi với thuốc chống đông máu. Ở những người bệnh bị rối loạn mỡ máu hoặc bị tắc mạch não, mạch vành, người ta buộc phải dùng các thuốc chống đông máu loại mạnh cho đường uống.
Khi dùng, ưu điểm đạt được ngay đó là dễ dàng kiểm soát cục máu đông. Nhưng nếu chúng ta lại dùng chung tỏi với các dạng như tỏi sống, tỏi ngâm, tỏi xào… nguy cơ bị mất kiểm soát các bệnh này.
Điều nên làm nhất là trong thời gian bị bệnh này nên tránh không dùng tỏi. Các dạng viên uống như tinh chất tỏi, chiết xuất tỏi cũng không nên sử dụng. Các biện pháp phòng chống trong sinh hoạt cũng được áp dụng giống như các thuốc chống kết dính tiểu cầu.
Thuốc điều trị bệnh tự miễn
Sẽ có nhiều người bệnh tự miễn phải dùng tới Cyclosporin. Cyclosporin là thuốc có tác dụng chống miễn dịch quá mẫn tương đối tốt. Nó là thuốc giúp bình ổn với người bệnh tự miễn như viêm cột sống dính khớp, lupus, viêm đa khớp dạng thấp.
Lưu ý quan trọng với bạn là nếu bạn chẳng may phải dùng tới loại thuốc này trong điều trị, bạn nhất thiết không được dùng tỏi. Vì giữa Cyclosporin và tỏi không cùng chung một chỗ đứng. Thuốc thì cần tồn tại đủ thời gian để điều trị. Nhưng tỏi không hiểu theo cơ chế như thế nào lại làm thuốc nhanh bị chuyển hóa, phân hủy và thải trừ. Điều đó có nghĩa là hiệu quả điều trị của thuốc không đạt được.
Trong trường hợp này nên dừng tỏi hơn là tăng liều thuốc vì việc tăng liều thuốc thực ra rất tai hại. Tốt nhất cần dừng tỏi trước khi dùng thuốc tổi thiểu 3 ngày và trì hoãn việc dùng tỏi tối thiểu 5 ngày tính từ thời điểm ngừng uống thuốc.
Trong trường hợp đã trót dùng tỏi liều cao thì không có gì thích hợp hơn là chia nhỏ liều thuốc trong ngày ra uống làm nhiều lần. Ví dụ như từ 2 lần thành 3 lần nhằm làm tăng thời gian sự hiện hữu của thuốc trong cơ thể.
Thuốc tránh thai
Trong thuốc tránh thai có một thành phần quan trọng là estrogen. Estrogen sẽ hoạt động để chống lại sự làm tổ của trứng. Nếu dùng tỏi lúc này thì đúng là sai lầm.
Vì tỏi làm tăng phân hủy estrogen. Thế cho nên thực phẩm tuyệt hảo tỏi có thể sẽ làm giảm một lượng tương đối estrogen trong thuốc. Mà với các thuốc tránh thai kéo dài, nếu chỉ một ngày bạn bị hư hỏng cơ chế kiểm soát estrogen thôi, bạn sẽ bị mang thai.
Xử lý: tuyệt đối tránh tỏi trong ngày uống thuốc. Nếu là thuốc tránh thai khẩn cấp cần bỏ hẳn tỏi trong ngày dùng thuốc. Còn nếu bạn uống thuốc kéo dài thì bạn cần ngừng hẳn tỏi trước 5 ngày. Đó là một liệu pháp an toàn cho chính bạn.
Những người nên hạn chế ăn tỏi:
– Người có vấn đề về axit không nên ăn tỏi
– Người có bệnh về mắt
– Người bị huyết áp thấp
– Tiền sử mắc các bệnh về gan
– Có các vấn đề về hơi thở hoặc mùi cơ thể
– Khi bị dạ dày yếu
Vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến rất quan trọng, việc quyết định sử dụng bất cứ thực phẩm nào trong quá trình phòng ngừa và điều trị đều cần được sự tư vấn kỹ càng từ phía chuyên gia.
Để có những chẩn đoán chính xác và tư vấn lộ trình điều trị phù hợp, hãy chủ động dự phòng sức khoẻ bằng cách tầm soát nguy cơ đột quỵ cùng Sakura Medical: https://skr.vn/dich-vu/tam-soat-dot-quy/