Đột quỵ xuất huyết não – Khó cứu nhưng dễ ngừa
Đột quỵ xuất huyết não hiện chưa có nhiều cách điều trị hiệu quả, dễ tử vong và tàn phế, nhưng có thể phòng ngừa bằng uống thuốc hằng ngày để kiểm soát ở người bị cao huyết áp.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) và xuất huyết não (chảy máu não). Đột quỵ nhồi máu não có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu khởi phát, bằng các phương pháp như dùng thuốc tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não chỉ chiếm khoảng 15%, song đến nay chưa có nhiều biện pháp điều trị hiệu quả. Gần đây, một số nơi phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dành cho bệnh nhân xuất huyết não đến viện trong 24 giờ, thể tích xuất huyết trên 30 ml, song kết quả hồi phục không ngoạn mục như điều trị nhồi máu não.
Bệnh nhân xuất huyết não đa số vào viện phải nằm hồi sức, kiểm soát huyết áp, nâng đỡ tổng trạng… nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não lên đến 50% trong ba tháng đầu, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não lớn hay nhỏ. Rất ít bệnh nhân nhẹ có thể tự hồi phục, đi lại được. Phần lớn bệnh nhân đối diện với cuộc sống tàn phế vĩnh viễn, có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng không thể quay lại công việc ban đầu hoặc phải nằm một chỗ trên giường, không thể tự chăm sóc bản thân.
Theo bác sĩ Thắng, nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết não là tăng huyết áp không được kiểm soát, chỉ một số ít do dị dạng mạch máu não. Trong đó, tăng huyết áp lâu ngày làm cho mạch máu bị xơ vữa, mất tính đàn hồi (giống như ống nước). Tăng huyết áp ở mức cao làm tăng áp lực tại các mạch máu nhỏ nằm sâu trong não, trên nền xơ vữa lâu ngày sẽ dẫn đến vỡ mạch máu tạo khối máu tụ trong não.
Phòng ngừa xuất huyết não đòi hỏi phải kiểm soát tốt huyết áp. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hiện nay là nhiều người Việt Nam rất chủ quan với bệnh tăng huyết áp, đa số bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh nên lơ là điều trị. Thậm chí, nhiều người bệnh tăng huyết áp tâm thu trên 200 mmHg vẫn cảm thấy sức khỏe bình thường. Trong khi đó, bệnh này đòi hỏi phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như phải điều trị suốt đời.
Hầu hết bệnh nhân xuất huyết não đến Bệnh viện Nhân dân 115 đều không dùng thuốc tăng huyết áp đúng chỉ định. Có những người bị tăng huyết áp, dùng thuốc vài năm, thấy huyết áp ổn định tự ý ngưng thuốc, không muốn uống thuốc quanh năm suốt tháng, hoặc tự mua thuốc theo toa cũ, thậm chí chỉ chọn 1-2 loại thuốc trong toa bác sĩ để mua. Cũng không ít người, vào viện đột quỵ rồi mới biết bản thân mắc bệnh tăng huyết áp.
Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, song số nơi điều trị còn quá ít.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ… cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.
Đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.
Theo báo VnExpress