Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi 3 lần bị đột quỵ
Mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ. Con số này chiếm khoảng 1/10 số ca đột quỵ trong nước mỗi năm theo ước tính của Bộ Y tế.
Ngày 16-12, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 – cho biết nữ bệnh nhân Đ.T.U, 60 tuổi, ngụ ở Ninh Thuận, bị đột quỵ đến 3 lần và đều được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng nhận xét: “Đây là một trường hợp hiếm gặp vì bệnh nhân bị đột quỵ đến 3 lần”.
Trước đó, năm 2019, bà U. bị đột quỵ lần thứ nhất do tắc động mạch não giữa bên phải. Bà được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào khoảng giờ thứ 12 sau khởi phát. Sau khi được lấy huyết khối bằng dụng cụ, tái thông hoàn toàn, bệnh nhân xuất viện và phục hồi vận động bình thường.
Tháng 10-2023, bà bị đột quỵ tái phát lần thứ hai do tắc động mạch não giữa bên trái. Bà cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 và được can thiệp lấy huyết khối thành công.
Hai tuần sau đó, bà đến Bệnh viện Nhân dân 115 tái khám. Trong lúc chờ tái khám, bà đột ngột bị liệt 1/2 người bên phải và được đưa vào cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ phát hiện bà bị tắc động mạch cảnh trong bên trái, bà được can thiệp lấy huyết khối thành công. Một tuần sau xuất viện, dù chưa tự đi lại được, nhưng sức cơ tay và chân trái của bà đã cải thiện đáng kể.
“Theo y văn, lấy huyết khối bằng dụng cụ là phương pháp điều trị đột quỵ cấp hiệu quả nhất, tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân phục hồi tốt chỉ vào khoảng 50%. Do vậy, khả năng thành công sau lần thứ hai sẽ thấp hơn rất nhiều và cũng khó có cơ hội được can thiệp đến lần thứ ba. Nguyên nhân gây ra 3 lần đột quỵ trên đều do một ‘thủ phạm’ duy nhất là rung nhĩ” – PGS.TS Nguyễn Huy Thắng cho hay.
Theo bác sĩ Thắng, tỉ lệ tử vong chung do đột quỵ chỉ vào khoảng 10 – 15%. Tuy nhiên với đột quỵ do nguyên nhân rung nhĩ, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 40%. Lý do, rung nhĩ thường tạo ra các huyết khối lớn, gây tắc một hoặc nhiều mạch máu não. Hơn 50% các trường hợp đột quỵ nặng là do nguyên nhân rung nhĩ.
Phòng ngừa đột quỵ với bệnh nhân rung nhĩ rất hiệu quả vì chỉ cần tuân thủ điều trị và uống thuốc kháng đông thường xuyên đã có thể làm giảm 70% nguy cơ đột quỵ.
Thế nhưng trên thực tế, khá nhiều bệnh nhân không theo dõi được xét nghiệm khi sử dụng thuốc kháng đông, hoặc không có điều kiện kinh tế để sử dụng thuốc kháng đông mới, hoặc do tâm lý chủ quan.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, trong số hơn 1.000 bệnh nhân bị đột quỵ do rung nhĩ, chỉ có 2% số ca xảy ra đột quỵ dù đang sử dụng thuốc kháng đông, còn lại 98% bệnh nhân bị xảy ra đột quỵ do không sử dụng thuốc kháng đông trước đó.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ. Con số này chiếm khoảng 1/10 số ca đột quỵ trong nước mỗi năm theo ước tính của Bộ Y tế.
Theo báo Tuổi trẻ